BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI HOA


Tại TP.HCM, cộng đồng người Hoa chỉ chiếm 7% dân số (khoảng 500.000 người), nhưng tỉ trọng doanh nghiệp người Hoa lại chiếm 30% trên tổng số doanh nghiệp có mặt tại Thành phố, nơi được xem có vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Điều đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp này đều ăn nên làm ra và ngày nay cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn đã phát triển không chỉ gói gọn trong quy mô Sài Gòn nữa, mà đã dần trở thành những DN lớn nhất trên đất Việt. Chẳng hạn Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô, Công ty Bút bi Thiên Long, Công ty Dệt Thái Tuấn, Công ty Dây cáp điện Tân Cường Thành, Công ty CP Sản xuất ống thép Hữu Liên - Á Châu... Do đâu mà họ có được sự thành công như vậy?
1. Phải biết yêu nghề và kính nghiệp
Trước năm 1975, người Hoa gốc Minh Hương đã tạo ra những cái tên, cũng là những đỉnh cao của nghề nghiệp tại Sài Gòn: vua thép, vua gạo, vua bột giặt, vua xà bông, vua bột mì… Cho đến khúc quanh thời cuộc của ngày thống nhất thì những cái tên này mới dần bị suy tàn, nhưng lại chuẩn bị cho một cuộc tái sinh…
Và xuất phát điểm lại từ số không. Có người bắt đầu bằng việc bán một mớ đồ cũ trên vỉa hè để nuôi mộng lớn như ông Lương Vạn Vinh, ông chủ hiện thời của nước rửa chén Mỹ Hảo. Có người chuyển từ nghề đông y sang làm giày dép như ông Vưu Khải Thành của Biti’s. Cũng có người xoay xở với những bạn hàng nhỏ lẻ ở Campuchia như gia đình ông Trần Kim Thành của Kinh Đô. Hay cũng có người bắt đầu lại bằng việc đi làm thuê cho một hiệu bánh như ông Kao Siêu Lực, giờ có một chuỗi cửa hàng bánh hàng đầu là ABC…
Một ví dụ điển hình là ông Cổ Gia Thọ- Chủ tịch Công ty Thiên Long, từng khởi nghiệp khi chưa học hết trung học, đi bán bút bi dạo mà giờ đây ông đã gây dựng Thiên Long trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực văn phòng phẩm. Theo ông một trong những bí quyết thành công trong kinh doanh của người Hoa là: Phải biết yêu nghề kính nghiệp. Qủa thật, nếu không dốc trọn cuộc đời cho một công việc mà mình đã chọn, thì không có cách nào tạo ra những đế chế vững vàng đến mực được gọi là vua của một nghề. Và hiện nay, đã lấp lánh những ông vua của từng ngành, mà đa phần đều là người gốc Hoa: vua gốm sứ Lý Ngọc Minh, vua giày dép Vưu Khải Thành, vua bánh Kao Siêu Lực, vua nước rửa chén Lương Vạn Vinh, vua nhựa Trần Duy Hy, vua vải Thái Tuấn Chí…
2.Sức mạnh tập thể và sự hướng dẫn là một trách nhiệm rất lớn.
Ông Cổ Gia Thọ - Chủ tịch Công ty Thiên Long nhớ lại câu chuyện về hai người đàn anh đã giúp đỡ mình lúc khởi nghiệp: “Chúng tôi gọi anh Lý Ngọc Minh (Chủ tịch Công ty gốm sứ Minh Long - pv) và anh Vưu Khải Thành là những đại ca cổ thụ trong cộng đồng doanh nghiệp người Hoa không chỉ vì khả năng kinh doanh, mà còn là sự bảo bọc, hướng dẫn anh em làm ăn và luôn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của nhau nữa…”
Với ông Cổ Gia Thọ, một trong những ân tình mà ông nhớ là việc ông Vưu Khải Thành hay tổ chức hội nghị khách hàng, chia sẻ những định hướng, thảo luận việc mở rộng thị trường… và sẵn lòng để những doanh nhân trẻ hơn, non nghề hơn như ông Thọ vào tham dự để nghe, để học, để tạo ra những kết nối kinh doanh. Người ta bảo “thà cho vàng chứ không chỉ đàng làm ăn” nhưng với cộng đồng người Hoa, sức mạnh tập thể và sự hướng dẫn là một trách nhiệm rất lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp người Hoa vẫn thường nhắc nhở nhau học tập nguyên tắc của hai ông Lý Ngọc Minh và Vưu Khải Thành trong kinh doanh. Theo đó, nguyên tắc Lý Ngọc Minh là: Đơn giản mà hiệu quả; An toàn hai lần; Làm cho bằng được; Vui vẻ cởi mở; Hợp tác chân tình. Nguyên tắc Vưu Khải Thành yêu cầu: Giải phóng tư tưởng; Thực sự cầu thị; Tích cực tìm tòi; Mạnh dạn sáng tạo; Kiên trì phấn đấu; Không ngại gian nan; Học tập nước ngoài; Không ngừng vươn lên.
3. Khởi nghiệp khác với người Việt, vì có cả một cộng đồng hỗ trợ.
Đầu tiên, đó là vai trò của các bang hội, tức là các “bang” và các “hội”. Không còn là những tổ chức mang màu sắc chính trị như thời Thiên địa hội của đời trước ông Vương Hồng Sển nữa, mà những bang hội sau này hoạt động như những thành luỹ gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống của một cộng đồng người gốc Hoa chung một nguồn cội.
Sau này, ranh giới địa lý của những bang hội này cũng dần xoá nhoà, họ sinh hoạt chung với nhau nhiều hơn, nhưng vẫn khá kín tiếng và ít giao du với người bên ngoài. Người bang trưởng, hay hội trưởng, là người đức cao vọng trọng trong cộng đồng, phải chăm lo nhiều thứ. Thường thì để làm chức này, người ta phải bỏ ra nhiều tiền để đóng góp cho cộng đồng và thay vì để lấy chức quyền thì họ lấy cái trách nhiệm và niềm tự hào được đóng góp cho cộng đồng.
Bang hội này, giống như một lớp màn chắn, không cho những biến đổi quá nhanh của xã hội xông vào làm hỏng đi truyền thống của họ. Con cháu có thể đi học trường Hoa ngữ song song với trường Việt ngữ, được dạy những bài vỡ lòng về làm ăn theo kiểu công tử phải đi cọ thùng, và quan trọng nhất, họ được dạy bởi những bài học sống động của thực tiễn kinh doanh trong cộng đồng người Hoa.
Lấy ví dụ về doanh nhân người Hoa thành công không ai khác đó chính là doanh nhân Vưu Khải Thành-Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty TNHH sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), thành viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm khóa liên tiếp. Khi được hỏi về sự thành công có một bí quyết mà ông Thành rất hiếm khi nhắc tới nhưng những ai quan tâm Biti’s vẫn có thể nắm bắt và đều không ngừng ngạc nhiên, là Biti’s đã đầu tư địa ốc, bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, thậm chí hiện đang đầu tư phát triển thêm là khu phức hợp quy mô 14ha tại Hà Đông, Hà Nội với siêu thị, căn hộ chung cư, trường học, khu hành chính điều hành Biti’s tại khu vực phía Bắc… tất thảy đều chỉ bằng một nguồn lực duy nhất: Vốn tự có. Hỏi làm sao ông có thể huy động được một nguồn vốn tự có cho các hạng mục đầu tư lớn đến như vậy? Ông Thành nhẩn nha: tích lũy. Tích lũy và đi chậm, bước vững thì DN sẽ luôn luôn vững vàng, không ngừng vươn xa…

Comments

Popular posts from this blog

What Is The Cost Of Custom Portrait Painting From Photo?

Choosing The Best Size for Custom Wedding Portrait Painting On Canvas

How To Choose Photos for Custom Portrait Painting?